Một số giải pháp áp dụng hạ tầng xanh trong đô thị.

Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Hàng năm, các thành phố và các khu vực miền Trung Việt Nam phải gánh chịu những trận ngập lụt lớn gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế và đời sống người dân. Nhằm giải quyết những vấn đề này và đảm bảo phát triển bền vững trong giai đoạn tới, Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện nhiều chính sách, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu ở trong nước, đồng thời chủ động tham gia xây dựng thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới nhằm giữ cho nhiệt độ trái đất tăng dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp. Cùng hơn 170 quốc gia, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Một trong các nội dung cần thực hiện trong thời gian tới là việc áp dụng Hạ tầng xanh vào trong hoạt động quy hoạch đô thị. Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia hiện đang phối hợp cùng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng và tổ chức Habitat để xây dựng chương trình này, trong đó phát triển đô thị bền vững ứng phó với BĐKH với mô hình phát triển đô thị xanh, hạ tầng xanh là một trong các giải pháp trọng tâm.
Hạ tầng xanh là gì?
Do khái niệm về hạ tầng xanh mới xuất hiện khoảng những năm đầu của thế kỷ 21, nên có nhiều cách định nghĩa khác nhau. Theo ông Gery Egon, một chuyên gia quy hoạch cảnh quan Pháp, đã có nhiều năm làm việc tại Việt Nam thì hạ tầng xanh được định nghĩa như sau:
Hạ tầng xanh là mạng lưới các thành tố ‘xanh’ được bảo tồn, hoặc tăng cường, hoặc thiết lập nhằm giải quyết các tiêu cực của đô thị hóa dựa trên cách tiếp cận ‘xây dựng cùng thiên nhiên’, nghĩa là đảm bảo sự hài hòa không đối kháng giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo tồn – tăng cường các giá trị của tự nhiên. Một số thành tố thiên nhiên có thể được sử dụng để cung cấp các dịch vụ quan trọng cho con người như bảo vệ họ khỏi lũ lụt hoặc khí hậu khắc nghiệt, hoặc giúp nâng cao chất lượng không khí, đất và nước. Khi các thành tố thiên nhiên được khai thác bởi con người và được sử dụng một cách hệ thống, nó được gọi là ‘hạ tầng xanh’.
Hệ thống hạ tầng xanh bao gồm nhiều thành phần làm việc, tương tác với nhau để duy trì mạng lưới các quá trình của tự nhiên. Các thành phần đó được chia thành:
– Các không gian mở: công viên lớn, rừng tự nhiên, rừng trồng, không gian mở tự do, các khu bảo tồn thiên nhiên, hồ ao, khu vực tự nhiên và di tích lịch sử đã được khoanh vùng bảo vệ, không gian xanh công cộng, các vùng nông thôn có thể tiếp cận…
– Các dải liên kết: hành lang kênh rạch và sông ngòi, đường mòn, đường đi bộ và xe đạp, hành lang xanh…
– Hệ thống các yếu tố “đô thị xanh”: các công viên nhỏ đơn lẻ, các khu vườn riêng, cây xanh đường phố, vườn trên tường và mái nhà, hệ thống thu và thấm nước mưa (vườn mưa, vỉa hè sinh thái, các dải đất trũng, các vùng đất ngập nước nhân tạo), các bề mặt lát cứng bằng vật liệu xốp và thấm nước (đường, vỉa hè, bãi đỗ xe…), thiết bị thu và lưu giữ nước mưa, thiết bị sử dụng ít năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo…
Tuy nhiên, cách định nghĩa trên có thể dễ dàng gây bối rối do hàm chứa ý nghĩa bao quát rất rộng, chứa đựng hầu hết các yếu tố hình thành đô thị. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi sẽ cố gắng cụ thể hoá khái niệm tổng quát, nhằm cung cấp sự hiểu biết rõ ràng nhất về hệ thống hạ tầng xanh.
Đầu tiên, để hiểu rõ hơn về hạ tầng xanh, chúng ta cần phân biệt hạ tầng Xanh với hạ tầng Xám.
Hạ tầng Xanh như đã định nghĩa ở trên, nói một cách khái quát là các giải pháp xử lý nước ở trên bề mặt kết hợp với cây xanh, giải pháp trữ nước, dẫn nước, lọc nước sử dụng yếu tố tự nhiên.
Hạ tầng Xám hay còn gọi là hệ thống hạ tầng kĩ thuật cổ điển như cống ngầm, hệ thống máy bơm, đường dẫn nước, đê chắn sóng bê tông…
So với hệ thống hạ tầng Xám, hệ thống hạ tầng Xanh có rất nhiều ưu điểm sau:
1. Tạo dựng môi trường sống cho động thực vật, chim muông
2. Tăng khả năng dự trữ nước
3. Giúp giảm các chất ô nhiễm trong nước
4. Bổ sung nguồn nước ngầm
5. Giảm nguy cơ lũ lụt,
6. Được sử dụng như một công cụ giáo dục và nghiên cứu
7. Loại bỏ nước tù đọng
8. Giúp giảm việc xây dựng các hệ thống hạ tầng cổ điển
9. Gia tăng giá trị cảnh quan đô thị
10. Tăng khả năng chống chịu, hấp thụ nước mưa, lũ của đô thị
11. Giảm xói mòn đất
12. Giảm các sự cố tràn cống, bể chứa nước thải, gây ô nhiễm đô thị
13. Tăng khả năng hấp thụ carbon (carbon sequestration)
14. Giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, giảm tiêu thụ điện năng
15. Cải thiện chất lượng không khí đô thị
16. Bổ sung không gian vui chơi đô thị
17. Lọc tự nhiên các dòng nước chảy bề mặt và gia tăng chất lượng nước
18. Tăng cường sức khoẻ cư dân đô thị
19. Gia tăng giá trị bất động sản đô thị
Tác động quan trọng nhất của hệ thống hạ tầng xanh đối với đô thị chính là hiệu quả xử lý nước bề mặt. Hiệu quả của xử lý nước bề mặt được đánh giá dựa trên tỷ lệ giữa 3 hoạt động:
– Runoff: Nước chảy trên bề mặt được thu gom thông qua các hệ thống ống dẫn thoát nước và trạm bơm.
– Evaporation: Nước được dự trữ và sau đó bốc hơi.
– Infiltration: Nước được thẩm thấu qua lòng đất.
Nghĩa là, khi nước mưa rơi xuống thì có 3 cách để nước thoát đi, Runoff, Evaporation, infiltration. Nếu tỷ lệ runoff cao, thì sẽ gây ra ngập lụt vì nước thoát qua các hệ thống ống dẫn không kịp. Tại sao điều này lại quan trọng?
Việt Nam hiện nay có nhiều đô thị được hình thành từ lâu đời, với hệ thống thoát nước và hạ tầng kĩ thuật đã bị quá tải. Các đô thị lớn như Hà Nội hay TP HCM dễ dàng bị ngập sâu khi có mưa lớn do hệ thống thoát nước đã quá tải. Nếu áp dụng các phương cách khiến cho tỷ lệ Evaporation và infiltration tăng lên, thì sẽ giảm được đáng kể khả năng ngập nước nghiêm trọng của thành phố. Thông qua các giải pháp hạ tầng xanh, sẽ có thể giảm được tình trạng ngập úng đô thị mà không cần phải mất nhiều tiền nâng cấp hệ thống đường ống hiện có.
Hiện nay, trong các đô thị trên khắp thế giới, tỷ lệ nước được thu gom qua các hệ thống ống dẫn thoát nước chiếm trên 75%, gây áp lực rất lớn lên khả năng thoát nước đô thị, nhất là khi mật độ bao phủ bê tông ngày càng lớn, đô thị ngày càng phát triển mở rộng hơn. Khi xảy ra mưa lớn hoặc nước biển dâng, triều cường, các đô thị, nhất là các đô thị ven biển, sẽ không đủ thời gian để thoát nước, cũng như hạn chế tác động của ngập lụt.
Một góc khu dân cư xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc (TP Nha Trang) chìm trong nước lũ, có nơi hơn một mét, sáng 01/12/2021
Trong khi đó, nếu đô thị được trang bị hệ thống hạ tầng xanh tốt, tỷ lệ nước được thu gom qua các hệ thống ống dẫn thoát nước sẽ giảm đi, thay vào đó, nước trên bề mặt sẽ được lưu trong các hồ chứa, thẩm thấu xuống lòng đất, làm gia tăng khả năng thoát nước tự nhiên.
Một số giải pháp áp dụng hệ thống hạ tầng xanh trong đô thị.
Hệ thống hạ tầng xanh đô thị được chia làm 4 nhóm chính:
1. Nhóm Công trình (Building)
2. Nhóm Cảnh quan (Landscape)
3. Nhóm Bề mặt nhân tạo (Hardscape)
4. Nhóm Nước (Water)
Nhóm Công Trình (Building) bao gồm các giải pháp phủ xanh các công trình như vườn trên mái, tường xanh.. Nói cách khác, các công trình xây dựng trong đô thị từ trước đến nay vẫn đứng ngoài trong cuộc chiến với vấn đề ngập lụt trong đô thị. Với sự tích hợp các khu vườn trên mái, những bức tường cây xanh, những công trình trông đô thị sẽ đóng góp đáng kể vào quá trình cải thiện chất lượng đô thị.
Nhóm cảnh quan (Landscape) bao gồm các giải pháp quy mô lớn, với việc tạo dựng các vùng ngập nước, vùng công viên cảnh quan, vùng không gian xanh lớn như rừng, khu bảo tồn…
– Shoreline restoration: tái tạo, cải tạo vùng ven mặt nước.
– Constructed wetland: vùng trũng chứa nước, có hệ sinh thái thực và động vật.
– Landspape Conservation: Bảo tồn khu thiên nhiên.
Nhóm Bề mặt nhân tạo (Hardscape). Có thể hình dung viễn cảnh toàn bộ bề mặt bê tông cứng không thấm nước được thay thế bằng các loại vật liệu thẩm thấu, cho phép nước được thấm qua lớp vật liệu và ngấm trực tiếp xuống nền đất bên dưới, bổ sung vào nguồn nước ngầm phía dưới đô thị. Hiện nay công nghệ đã có thể làm được việc này, và nhiều đô thị trên thế giới đã áp dụng trong thiết kế và cải tạo đô thị của họ. Những lợi ích mang lại rất to lớn và trực quan.
Nhóm Nước (Water). Bao gồm các giải pháp về thoát nước tự nhiên, lưu trữ nước trong những túi chứa phía dưới đường giao thông, nhưng vùng đất được trồng và xử lý để lọc bớt các chất độc hại trong nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *