Một ngày cuối năm 2014, nhóm Các thành phố cạnh tranh của Ngân hàng Thế giới (World Bank’s Competitive Cities) đã đến thăm một thành phố của Vương quốc Morocco, thành phố Tangier, để thực hiện một nghiên cứu về cách một thành phố ở Khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế vượt bậc và tạo ra rất nhiều việc làm chỉ trong một thời gian rất ngắn. Điều này còn có ý nghĩa hơn khi thành phố này không được thiên nhiên ưu đãi về dầu mỏ hay khí đốt thiên nhiên như nhiều nơi khác của Phi Châu.
Chỉ trong hơn một thập kỷ, thành phố cảng cổ kính Tangier chuyển mình từ trạng thái không hoạt động vươn lên vị trí thống trị trong ngành hàng hải và hậu cần khu vực. Từ năm 2005 đến năm 2012, Tangier đã tạo ra lượng việc làm mới nhanh gấp ba lần so với toàn Morocco, trong khi cũng vượt xa mức tăng trưởng GDP quốc gia khoảng 1/10. Ngày nay, thành phố và khu vực lân cận Tangier-Tétouan là cửa ngõ thương mại và trung tâm sản xuất đang bùng nổ, với một trong những cảng biển và nhà máy sản xuất xe hơi lớn nhất Phi châu với khoảng 400.000 chiếc mỗi năm (Hàm lượng linh kiện lắp ghép do Morocco sản xuất khoảng 35-40%, và mục tiêu tăng tỷ lệ đó lên 60% trong những năm tới). Thành phố Tangier ngày nay có nhiều khu thương mại tự do (free trade zones) và khu công nghiệp công nghệ cao (industrial Parks), đồng thời cũng là điểm đến du lịch nổi tiếng.
Vậy điều gì và ai đã thúc đẩy sự chuyển đổi này, và chính xác nó đã đạt được như thế nào, đây thực sự là điều chúng ta muốn biết.
1.1. Vị trí và lịch sử hình thành
Tangier là một thành phố ở phía bắc Morocco. Nó nằm trên bờ biển Bắc Phi ở lối vào phía tây của eo biển Gibraltar, nơi Biển Địa Trung Hải gặp Đại Tây Dương ngoài khơi Cape Spartel. Đây là thủ phủ của vùng Tangier-Tetouan và của quận Tangier-Asilah của Morocco.
Lịch sử của Tangier rất phong phú do sự hiện diện của nhiều nền văn minh và văn hóa từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Tangier nằm ở nơi giao nhau của các tuyến đường thương mại và các nền văn minh – trên đất châu Phi, nhưng cũng chỉ cách bờ biển phía nam của châu Âu vài dặm. Trong suốt chiều dài lịch sử, đô thị cổ này đã thu hút các thương gia, chủ ngân hàng, nghệ sĩ, khách du lịch và các nhà thám hiểm, trở thành một địa điểm quốc tế, đa ngôn ngữ và có tính đa dạng cao.
Tuy nhiên, nửa sau của thế kỷ 20 không hề dễ dàng đối với thành phố. Sự chuyển dịch của thị trường thế giới và các rào cản thương mại cao đã khiến Tangier bị gạt ra bên lề trong quá trình phát triển của nền kinh tế Ma-rốc. Chính quyền địa phương đã cố gắng phát triển một số năng lực và bí quyết công nghiệp, nhưng khả năng tiếp cận còn hạn chế. Khách du lịch vẫn đi và đến Tây Ban Nha qua eo biển Tangier, nhưng họ không dừng chân lại Tangier vì thành phố này lúc đó không phải là một điểm đến du lịch chính theo đúng nghĩa của nó.
Vậy sau tất cả, điều gì đã xảy ra với vùng đất này và khiến nó chuyển mình?
Câu trả lời chính là người cầm lái của con thuyền. Với sự lên ngôi vào năm 1999 của Vua Mohammed VI, người đã đặt ưu tiên cho sự phát triển và hội nhập tốt hơn của miền Bắc Morocco, những tiềm năng của Tangier được đánh thức. (Có rất nhiều câu chuyện hay ho về vị vua này, nhưng đành hẹn các bạn trong một số báo khác, khi chúng ta có nhiều trang giấy hơn). Trong những năm 2000, dưới sự định hướng của Vua Mohammed VI, chính phủ Morocco đã bắt tay đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, các tuyến đường sắt và đường bộ hiện đại được hình thành, các sân bay được nâng cấp, cũng như một loạt các sáng kiến được đề xuất cho khu vực miền bắc Morocco. Trong những quyết sách vĩ mô đó, có 2 yếu tố mang tính quyết định đã làm thay đổi toàn bộ đô thị Tangier, biến một thành phố gần như bất động về kinh tế, trở thành thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất Morocco trong những năm 2000.
Đó chính là việc hình thành cảng biển Tangier-Med vào năm 2007 và quyết định mở cửa thị trường với các hiệp định hình thành khu thương mại tự do cho phép thực hiện các ưu đãi về đầu tư và thị thực.
Chỉ trong thời gian ngắn, Morocco đã vươn từ vị trí thứ 84 lên vị trí thứ 16 trong thang xếp hạng lĩnh vực cảng và hoạt động hàng hải toàn cầu (Báo cáo từ UNCTAD – Cơ quan của Liên hợp quốc chịu trách nhiệm về thương mại quốc tế năm 2014). Sự thăng hạng đáng kể của quốc gia này có liên hệ mật thiết với sự hình thành và hoạt động trong chưa đầy 10 năm của cảng Tangier Med và khu thương mại tự do gắn liền với nó.
Tại sao một sáng kiến quốc gia lớn lại thành công như vậy ở Tangier?
Có ba lý do chính lý giải câu hỏi này.
Thứ nhất, Tangier đã tận dụng một cách thông minh những lợi thế vốn có của mình (địa lý, văn hóa, ngôn ngữ, công nghiệp) để thu hút đầu tư và khách du lịch, nâng cấp công nghệ địa phương và kỹ năng của lực lượng lao động, đồng thời giúp các doanh nghiệp địa phương hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu; Tangier tập trung vào các mục tiêu thực tế và có thể đạt được, không chỉ là những mục tiêu đầy khát vọng. Chính quyền thành phố tham vấn, lắng nghe ý kiến của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Với những ý kiến nhận được, chính quyền thành phố và khu vực đã bắt tay vào một loạt các sáng kiến để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Tangier cũng như du khách, từ việc cung cấp nước tốt hơn và quản lý chất thải, đến việc bảo tồn không gian xanh, phục hồi các di tích văn hóa và bãi biển, đồng thời giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm thông qua quy hoạch không gian đô thị và vùng ngoại ô hiệu quả hơn. Trong khi đó, cảng cũ của thành phố Tangier Ville đang được tái phát triển, giúp thu hút tàu du lịch, xây dựng bến du thuyền mới, di dời tàu cá và các ngành công nghiệp đi kèm.
Thứ hai, trong phạm vi quyền hạn mà họ có, các nhà lãnh đạo địa phương đã thể hiện sự nhạy bén và nhất quán trong kinh doanh, và năng lực hành động đồng bộ và sử dụng hiệu quả các vòng phản hồi thông tin, đảm bảo khả năng phản hồi của các cấp cao hơn của những người ra quyết định ở Morocco. Nói một cách đơn giản, các thông tin được luân chuyển và phản hồi rất nhanh lên các cấp cao hơn. Tùy theo quyền hạn và trách nhiệm, các nhà chức trách đã đẩy nhanh tốc độ triển khai các quyết sách từ cấp thấp đến cấp cao. Những định hướng quan trọng như làm thế nào để có thể phát triển nhanh nhất 1 cụm cảng biển quốc tế đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu, chiến lược nào để tăng tính cạnh tranh cho khu thương mại tự do, được đề suất và nhanh chóng đặt trên bàn của quốc vương. Cũng nhanh chóng như vậy, được lên kế hoạch và phân bổ xuống cấp thấp nhất của chính quyền địa phương thành phố Tangier.
Cuối cùng, quy mô có thể quản lý của thành phố (khoảng một triệu dân) giúp hoàn thành công việc dễ dàng hơn vì hầu hết những cá nhân có vai trò quan trọng trong thành phố đều biết nhau và tương tác gần như hàng ngày. Nếu không có sự tác động lẫn nhau của các yếu tố như vậy, sự đầu tư lớn của Morocco vào cơ sở hạ tầng có thể chỉ nhiều hơn một chút so với việc đổ bê tông lên một bãi biển Địa Trung Hải hoang sơ một thời.
Sự phục hưng của Tangier một phần có thể là do nó dựa vào mô hình phân phối công-tư sáng tạo cho các chính sách quốc gia và địa phương, thay vì cách tiếp cận thông thường là chờ đợi sự chỉ đạo từ Chính phủ trung ương. Các tổ chức tập thể như Cơ quan đặc biệt Tangier-Med (TMSA) tập hợp các bên liên quan khác nhau tham gia vào thương mại, thu hút đầu tư, phát triển lực lượng lao động và ra quyết định trong khu vực. Cách tiếp cận như vậy đã góp phần giúp Tangier có khả năng đáp ứng rất kịp thời nhu cầu của các nhà đầu tư khu vực tư nhân (đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài), thể hiện qua việc thành lập các cơ sở tiên tiến để đào tạo người lao động với các kỹ năng cần thiết cho các ngành công nghiệp mới nổi của Tangier như ô tô và hàng không vũ trụ. Thật khó mà tưởng tượng được mọi thứ chỉ diễn ra trong chưa đầy 10 năm.
1.2. Vai trò phát triển kinh tế của Cảng Tangier Med:
Để có thể hình dung được tầm quan trọng của Cảng và khu thương mại tự do của khu kinh tế Tangier – Med, trước hết chúng ta nên nhìn qua bức tranh vận tải hàng hải thế giới.
1.2.1. Bức tranh hàng hải quốc tế
Vận tải hàng hải với khả năng đại chúng hóa vận tải hàng hóa đã tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của thương mại thế giới, trở thành người chơi chính trong vận tải toàn cầu, vượt xa các ngành vận tải khác như đường bộ và đường hàng không. Vận tải biển là phương thức hiệu quả nhất để vận tải Hàng hóa trọng tải lớn với quãng đường dài: người ta ước tính rằng khoảng 80% khối lượng thương mại thế giới được vận chuyển bằng đường biển.
Phản ánh sự tăng trưởng kinh tế và toàn cầu hóa, vận tải biển đã tăng trưởng ổn định trong 50 năm qua. Điều này là do sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của một số nước Châu Á, đã thúc đẩy thương mại Thế giới và được tạo điều kiện bởi một số yếu tố đã góp phần vào sự năng động và hiện đại hóa của ngành. Ngoài những yếu tố như thúc đẩy tự do hóa vận tải, hiện đại hóa hậu cần, một câu chuyện thú vị là về chiếc Container.
Trong quá khứ, vận tải hàng hải chuyên chở khối lượng lớn nguyên liệu thô (dầu và các sản phẩm dầu mỏ, than đá, quặng sắt, ngũ cốc, bauxite, v.v.): những chuyến hàng rời này được thực hiện bởi các tàu chuyên dụng tại các cảng chuyên dụng và cảng tổng hợp. Các sản phẩm được đóng gói trong các thùng carton, hộp, thùng phuy, gọi là hàng tổng hợp vận chuyển bằng tàu biển.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi kể từ những năm sáu mươi, khi một thứ mới được phát minh ra: Container.
Container, một chiếc “hộp” thép có định dạng tiêu chuẩn, không chỉ làm đảo lộn phương thức vận tải mà còn thay đổi toàn bộ chuỗi cung ứng đến người nhận cuối cùng. Vận tải đường bộ, đường sông và đường sắt đã phải thay đổi để thích nghi với những chiếc hộp thép tiêu chuẩn này. Hàng hóa, sau khi được xếp vào trong Container, không cần phải thêm một thao tác gì nữa. Khi đó người ta chỉ cần sắp xếp những chiếc Container, giảm thiểu được rất nhiều chi phí vận chuyển, xếp dỡ và bảo quản.
Chiếc Container còn thay đổi cách thiết kế và vận hành những cụm cảng quốc tế có vốn đầu tư hàng trăm tỷ USD và thậm chí góp phần tạo lên một nước Singapore ngày nay. Từ những năm 1970, Singapore đã nhìn thấy tiềm năng của cảng Container và cho xây dựng cảng container Tanjong Pagar – cảng container đầu tiên ở Đông Nam Á năm 1972.
1.2.2. Những động thái của Morocco
Vậy là chúng ta thấy việc vận chuyển container rất quan trọng và dù đã xuất hiện hơn 50 năm, vận chuyển bằng container vẫn cho thấy tiềm năng rất lớn. Chính phủ Morocco cũng thấy vậy. Các cơ quan công quyền Morocco đã tiến hành một phân tích quan trọng về tình hình trong lĩnh vực này vào năm 2006 theo lệnh Quốc Vương. Từ đó, mục tiêu phát triển cảng trung chuyển Container được phát triển và chuyển vào phần mở đầu của luật 15-02: “Cần thiết trang bị một khuôn khổ pháp lý và quy định cho khu vực cảng, với quan điểm khuyến khích các sáng kiến tư nhân và tính cạnh tranh giữa các nhà khai thác và vận hành cảng”
Theo đó, Tangier tổ chức đấu thầu thầu quốc tế, mời các nhà khai thác cảng lớn nhất trên toàn cầu, gói thầu chủ yếu liên quan đến khu phức hợp cảng Tangier-Med 4 (Najih Nabil).
Dự án cảng Tangier Med là một cuộc cách mạng mà Morocco đã bắt đầu để thiết lập kết nối với châu Âu và phần còn lại của thế giới. Trên hết, mấu chốt của cuộc cách mạng nằm ở chiến lược mở cửa thực sự cho tư nhân, một chiến lược làm nền tảng cho tầm nhìn phát triển toàn diện cả một thành phố. Ban đầu, nó là một cảng nước sâu để trung chuyển, nhưng tầm nhìn đã phát triển theo nhu cầu để thành lập một nền tảng cảng tích hợp với nhiều thành phần khác nhau bao gồm trung chuyển trước, khu thương mại tự do, các tuyến giao thông kết nối, hậu cần, song song với sự thúc đẩy du lịch.
1.2.3. Vai trò của cảng Tangier Med
Cảng Tangier-Med là một cảng nước sâu được khai trương vào năm 2007, nằm trên sườn eo biển Gibraltar, cách thành phố Tangier, ở Oued Rmel, miền bắc Morocco khoảng 40 km. Nó cũng rất gần với thành phố Ceuta của Tây Ban Nha, chính xác là chỉ cách đó 20 km. Vị trí chiến lược của nó, tại điểm trên bờ biển Morocco gần Bán đảo Iberia nhất, làm cho nó trở thành một vị trí quan trọng trên các tuyến đường thương mại hàng hải của châu Âu, châu Mỹ và tự nhiên là châu Phi.
Cảng là kết quả sự mong muốn của Morocco xây dựng một cảng công nghiệp khổng lồ trên bờ phía nam của eo biển, cũng như một mạng lưới hậu cần kết nối đến thương mại toàn cầu, tham vọng trở thành một điểm tham chiếu thực sự trên bản đồ hàng hải thế giới. Cho đến ngày nay, nó vẫn đang được xây dựng, và lý do cho sự phát triển này là để giảm tải lưu lượng hàng hóa từ Cảng Tangier và mở rộng các cơ sở của nó, đáp ứng nhu cầu đang ngày càng gia tăng.
Nông sản, Ngũ cốc, quần áo từ Viễn Đông và Trung Đông, thiết bị điện tử là những sản phẩm quan trọng hàng đầu được chuyển qua cảng Tangier Med.