LTS: KTS Nguyễn Luận là chuyên gia về quy hoạch đô thị và lý luận phê bình kiến trúc. Ông cũng là người đầu tiên đề xuất mô hình nhà ở sinh thái hiện đại cho nông thôn Việt Nam. Đề tài “Nhà ở nông thôn, đơn vị cân bằng sinh thái” của ông đã được giải nhất cuộc thi Kiến trúc quốc tế do ACCT và UNESCO tổ chức tại Paris vào năm 1979. Tuần Việt Nam vừa có cuộc trò chuyện với ông về chủ đề bản sắc kiến trúc Việt.
Đặt hy vọng vào thế hệ sau
– Anh nhận xét thế nào về bản sắc của kiến trúc Việt hiện đại? Trong các cuộc thi quốc tế, để chọn thiết kế cho các công trình lớn, luôn có yêu cầu “bản sắc”, nhưng nhìn vào các công trình được chấm giải của các KTS nước ngoài lại chẳng thấy “chất” Việt Nam đâu cả?
KTS Nguyễn Luận (ảnh bên): – Trước hết phải khẳng định, bản sắc không phải cứ muốn đặt ra là có, không thể cứ đặt ra tiêu đề này, tiêu chí kia để yêu cầu các công trình thiết kế phải có nét này, điểm khác và khẳng định công trình có bản sắc. Cách lấy những chi tiết của kiến trúc truyền thống đưa vào công trình hiện đại hoàn toàn không tạo ra bản sắc, nếu có chăng là một sắc diện nào đó để “đánh lừa” công chúng thôi.
Kiến trúc là một ngành rất đặc thù, sự tiếp cận với các xu hướng quốc tế, hoặc phát triển được những vốn liếng truyền thống của mình để tạo nên tác phẩm kiến trúc có đường nét, màu sắc, có hồn Việt là giai đoạn rất dài.
Ngay cả với những quốc gia lớn mạnh của châu Á, cũng không dễ tìm kiếm ngôn ngữ kiến trúc riêng. Trong kiến trúc hiện đại của Nhật Bản, ai cũng công nhận có chất Nhật Bản. Nhưng kiến trúc hiện đại của Trung Quốc hay Hàn Quốc chỉ hoàn toàn là phương Tây, chứ không có chất Trung Quốc, Hàn Quốc.
Phải chăng bởi Nhật Bản rất chú tâm đầu tư cho văn hóa, với sự thúc ép của lòng tự hào dân tộc trong điều kiện kinh tế phát triển rất cao mới tạo ra được kiến trúc Nhật Bản đương đại. Nhiều KTS Nhật Bản nổi tiếng, được giải Pritzker danh tiếng nhất của kiến trúc thế giới, trong đó KTS Tadao Ando đã từng đến Việt Nam.
Chúng ta không so sánh với Nhật Bản để mong muốn sẽ như họ, cũng không so sánh với Trung Quốc, Hàn Quốc để nghĩ mình sẽ không “bị” như thế. Tin rằng với thời gian, khi tiềm lực kinh tế lớn hơn, cộng đồng KTS cùng trăn trở suy tư, thì sẽ đến một lúc ta tự hào có được bản sắc kiến trúc Việt đương đại, nhưng không thể sốt ruột đặt ra thời hạn là hôm nay hay ngày mai.
– Nhật Bản đạt đỉnh cao là nhờ chính các KTS Nhật Bản. Còn chúng ta lại đang mong đợi các KTS nước ngoài đưa bản sắc đến cho chúng ta chăng?
– Thực tế kiến trúc nước nào cũng trải một giai đoạn giao lưu để học quốc tế. Thế giới đã hình thành những tập đoàn tư vấn rất lớn, nếu so sánh về quy mô thì những đơn vị thiết kế lớn của chúng ta không thể địch lại. Nước nào ở giai đoạn thấp như chúng ta hiện tại cũng phải trải qua cả. Nước bạn Thái Lan là một điển hình, qua giai đoạn lâu năm như thế, Thái Lan đã có được một số KTS rất giỏi, làm những resort được đánh giá rất cao. Ngay chính Việt Nam chúng ta cũng đã thuê Thái Lan thiết kế nhiều công trình, điển hình như resort Six Senses Ninh Vân bay (ảnh bên) được thế giới biết đến.
Nếu chúng ta kéo được nhiều KTS hàng đầu thế giới đến làm cho chúng ta thì tốt chứ, vì chúng ta sẽ có thêm nhiều công trình đẹp. Học hỏi nhiều thì sẽ đến lúc mở ra thôi, hy vọng vào thế hệ sau có điều kiện thuận lợi phát triển hơn.
Vô bản sắc vì không áp chuẩn quốc tế
– Những KTS hàng đầu đương nhiên sẽ được chào đón. Nhưng nhìn những công trình “made in nước ngoài” đã được xây dựng từ kết quả những cuộc thi quốc tế thì hình như không phải thế?
– Vấn đề là các cuộc thi ở nước ta chưa có chuẩn quốc tế, bất chấp hội đồng chấm thi hay người dự thi. Có một lý do là nền kiến trúc của ta chỉ thật sự phát triển từ 1975 (miền Nam sớm hơn một chút), chứ trước đó là nền kiến trúc khác hoàn toàn, có thể gọi là nền kiến trúc vô danh, không biết tác giả thật là ai? Có lẽ chúng ta chưa đủ thời gian, thử thách cần thiết để định hình cá nhân, bản lĩnh KTS chăng?
Chưa có văn hóa kiến trúc đủ để tạo dựng nên chuẩn mực cho những cuộc thi, để kết quả cuộc thi được đánh giá chính xác, được phần lớn cộng đồng công nhận.
Chẳng hạn với công trình Trung tâm Hội nghị Quốc gia, khi hội đồng chấm giải hỏi tác giả thích đồ án nào trong 5 phương án ông đưa ra, thì bản thân ông thích phương án khác, nhưng rồi ông lại chọn đưa ra thiết kế đã được xây dựng với lý do… nhiều người thích cái đó.
Khi vào Việt Nam họ không còn là bản thân họ nữa, mà bị “Việt hóa” đi, làm sao để ra được công trình, nên mới có cái nhà “không phải đẹp lắm” trong mắt giới KTS. Không chỉ ở công trình lớn mà công trình nhỏ ở địa phương cũng bị như vậy, cơm áo gạo tiền đặt vấn đề lớn hơn. Chưa nói đến những chuyện khác, như chuyện lãnh đạo quyết định chẳng hạn.
– Nghĩa là, KTS nước ngoài hoàn toàn có thể tìm được bản sắc kiến trúc Việt Nam?
– KTS nước ngoài hoàn toàn có thể tham gia cuộc tìm kiếm bản sắc kiến trúc Việt Nam với chúng ta, vì khi đến một quốc gia khác, họ cũng sẽ học hỏi văn hóa của nơi đó, những biểu tượng văn hóa đặc trưng nhất là gì. Họ lại có cách nhìn vấn đề tinh tế, có thể nhìn ra những thứ mà chúng ta quá quen nên không phát hiện ra.
Chẳng hạn KTS người Thái Lan làm resort Six Senses Ninh Vân bay cũng quá giỏi, thành công trình đẳng cấp quốc tế luôn.
Gần đây có nhiều đồ án rất tốt, nhưng rất tiếc mới chỉ dừng ở mức độ thi. Ví dụ khi nhóm KTS Pháp làm đồ án được giải nhất nhưng lại không được chủ đầu tư chấm ở Gia Lâm. Họ giữ nguyên đồng ruộng, đan xen những khóm nhà ở, tự do, hồn nhiên, như một việc hiển nhiên phải thế chứ không sắp đặt. Rồi đồ án quy hoạch ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Hay cuộc thi thiết kế đường đi bộ – cầu đi bộ Thủ Thiêm mà tôi có dịp tham gia, phương án của nhóm KTS Pháp làm cũng rất hay.
Rất tiếc là mới chỉ dừng lại ở đó, còn từ kết quả cuộc thi đến công trình kiến trúc hiện hữu lại là một chuyện khác, vì ta chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện hết những đồ án đó.
Không có “mắt xanh” làm giám khảo
– Vậy vấn đề nằm ở phía chúng ta với tư cách người ra đề bài, người chấm giải và người muốn “biến đổi” phương án khi đưa vào thi công?
– Quan trọng nhất là con mắt xanh của BGK. Ví dụ nhà hát Opera Sydney sẽ không bao giờ hiện hữu, nếu không có KTS A. Saarinen người Mỹ sang làm giám khảo.
Nhưng sẽ không thể có con mắt xanh ấy, nếu văn hóa kiến trúc không đủ thâm sâu. Cái hồn của kiến trúc không dễ nhận ra, nếu cứ xuất hiện lè lè thì cần gì BGK chấm giải. Cái hồn của kiến trúc sẽ ẩn đâu đó nhưng với thời gian công chúng sẽ nhận ra được nó.
Có một công trình rất đẹp, rất đặc thù mà tôi hay lấy làm ví dụ, đó là Khuê Văn các. Có thể nói Khuê Văn các là công trình hiện đại nhất trong các kiến trúc cổ của VN, hiện đại hơn chùa Một Cột rất nhiều. Tất nhiên chùa Một Cột đẹp, nhưng hình ảnh hoa sen của chùa Một Cột cụ thể quá, còn hình ảnh của Khuê Văn các trừu tượng hơn nhiều, các đường nét thanh mảnh. Gác chuông vòng tròn thì ở đâu cũng có, nhưng có những tia thì chỉ có thể là gác Sao Khuê. Trừu tượng hơn, vì thế mà hiện đại hơn rất nhiều.
– Vậy theo anh, chúng ta có nên đòi hỏi mỗi cuộc thi nhất định phải chọn được thiết kế mang bản sắc Việt Nam?
– Đòi hỏi có một nền kiến trúc bản sắc là đòi hỏi chính đáng, Cuộc thi đặt vấn đề phải mang bản sắc Việt nam cũng là đúng, xem như một hướng suy nghĩ và hành động. Nhưng nếu dùng nó làm chuẩn mực, thước đo theo kiểu sẽ trừ điểm nếu công trình không “thuyết minh” được bản sắc Việt Nam thì lại sai. Nếu KTS không muốn nhắc lại truyền thống của Việt Nam, mà muốn đóng góp một cái hiện đại mới toanh, chưa từng có ở đâu, thì quá tốt chứ.
Nếu chúng ta cứ ép công trình nào cũng phải Việt Nam, thì sẽ ra những công trình không nhiều chất sáng tạo của cá nhân KTS. Những người tổ chức cuộc thi, người chấm giải phải rất tinh tế để nhận diện khi một phương án nào đó bộc lộ ra nét Việt Nam. Nhiều lần như thế thì sẽ hình thành được bản sắc.
Ở các cuộc thi kiến trúc của thế giới, rất nhiều trường hợp những người vô danh nhưng sáng tạo đột phá và vượt qua những tên tuổi lớn. Như Thư viện Quốc gia của Pháp chẳng hạn, ở thời điểm trúng giải, Dominique Perrault chỉ là một KTS trẻ vô danh. Hay thiết kế được chọn cho Bến tàu biển Quốc tê Yokohama ở Nhật Bản là của nhóm Foreign Office Architects lần đầu tiên xuất hiện. Vấn đề vẫn là con mắt xanh của BGK, như tôi đã nói.
Có dấu hiệu khát khao tìm kiếm kiến trúc Việt
– Vậy các KTS Việt Nam đang ở đâu trong hành trình đi tìm bản sắc kiến trúc Việt hiện đại? Anh có thể “điểm danh” một số KTS đang theo xu hướng đáng được khuyến khích?
– Có chứ, trong lĩnh vực kiến trúc du lịch, làm resort thì có một số, cũng do yêu cầu của loại hình này có phần đơn giản hơn, chỉ cần lấy những nét đặc thù, như kết cấu gỗ, kết cấu tre. Chẳng hạn Rock Garden resort thiết kế rất đơn giản, nhưng có “chất vùng” của chúng ta. Hay Palm garden resort của KTS Nguyễn Tự Nguyên, Lê Thanh Hải. Trước đó khá lâu là Sài Gòn – Mũi Né được giải thưởng quốc gia của KTS Nguyễn Văn Tất. Rồi KTS Dương Hồng Hiến…
Hay gần đây có KTS Võ Trọng Nghĩa lăn lộn với kiến trúc tre, làm ra những công trình rất tốt.
Rồi xu hướng của KTS Hoàng Thúc Hào đi vào trong bản chất, không phải ngói mái hay tường trình mà làm sao có một công trình giản dị, hiện đại, xây dựng được cho cộng đồng, với vốn ít hoặc sự kêu gọi tài trợ nhỏ. Với Việt Nam thì lần đầu tiên Hào theo hướng này, còn giải thưởng Agga Khan của các KTS Ả rập nói chung đã đặt vấn đề từ lâu, làm ra những công trình đơn giản cho cộng đồng và rất đẹp.
Anh em KTS ở các tỉnh thì hay bị theo việc cụ thể ở đó, nhưng ở An Giang – Long Xuyên thì có KTS Nguyễn Văn Siêu thiết kế được nhiều công trình, chưa quá đặc sắc nhưng đã cố gắng đưa chất Việt vào công trình công cộng.
Chưa nhiều, nhưng ta có thể kết luận, sự tìm kiếm hẹp đã bộc lộ khát khao của anh em kiến trúc sư VN mong muốn tìm ra những con đường dần đến với kiến trúc Việt hiện đại. Xin đừng nóng vội, phải vượt qua nhiều chông gai thì mới đến được.
– Phải chăng cái khó của kiến trúc còn nằm ở việc không thể chỉ là nỗ lực của riêng KTS, mà rất cần sự đồng cảm của chủ đầu tư, hay cần công trình nằm trong một quy hoạch tốt?
– Đúng là hiện tại, đồ án kiến trúc ở VN chưa thể hiện đầy đủ những gì KTS sáng tạo nên, mà thường bị bóp bên này, bên kia vì lý do kiểm duyệt hay đầu tư, ít công trình nào của KTS làm ra mà được xây dựng một cách toàn vẹn như họ mong muốn. Riêng điều đó gây rất nhiều khó khăn cho sự sáng tạo.
Nhưng rõ ràng, không ít KTS Việt Nam đang cố gắng có vài “tín hiệu” trong các công trình của mình để nhận ra được kiến trúc VN hiện đại. Cái hiện đại chắc chắn không phải vài mái đình cong, hay mái ngói… mà phải là tín hiệu khác, tín hiệu đến từ sâu trong văn hóa Việt, không hề dễ dàng.
– Vậy đã có giai đoạn nào gần đây, kiến trúc Việt Nam thật sự có được nét riêng?
– Nét Việt Nam thì chưa, nhưng đã có thời kiến trúc Việt Nam định hình một số nét chung, nhìn công trình biết ngay. Đó là thời bao cấp, thời từ 1956 đến 1960, 1965 – 1966 các công trình rất giản dị, không thể biết được ai là tác giả, hầu như là vô danh.
Nhưng có thể gọi là hình thành được một xu hướng thiết kế, nhẹ nhàng, thanh mảnh, ít diêm dúa, có lai châu Âu nhưng sạch sẽ, giá trị khẳng định một thời kỳ. Đó là những công trình của lớp KTS tốt nghiệp Mỹ thuật Đông Dương, hoặc học kiến trúc ở Đông Âu về.
Những công trình may mắn còn lại như Học viện Chính trị Quốc gia, rồi tòa nhà đang thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư bây giờ, hay Trường ĐH Thủy Lợi…
Rất cần giữ lại những công trình là dấu ấn của một giai đoạn như thế.
Linh Lan (thực hiện)
Link: https://ashui.com/mag/congdong/kien-truc-su/4084-ban-sac-kien-truc-viet-khong-phai-muon-la-co.html