Nông nghiệp chiếm gần 32% lực lượng lao động và có hơn 9 triệu hộ nông dân tham gia. Mô hình Làng thông minh đang mở ra nhiều kỳ vọng cho chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay xu hướng chuyển đổi số phục vụ nông dân có nhiều sáng kiến và thử nghiệm công nghệ, tuy nhiên có thể tập trung vào hai loại nền tảng chính là: Cơ sở dữ liệu nông nghiệp số và Làng thông minh bao gồm các dịch vụ nông nghiệp số.
Cơ hội từ làng thông minh
Theo kinh nghiệm của quốc tế thì chuyển đổi số nông nghiệp và nông thôn (NN&NT) nên được thiết kế thông qua 2 nền tảng chính là Cơ sở dữ liệu nông nghiệp số và Làng thông minh phục vụ phát triển NN&NT bền vững. Đối với cả hai nền tảng, người nông dân phải là trung tâm với các dịch vụ kinh tế số và xã hội số giải quyết được các khó khăn của họ.
Trước hết, đối với nông dân và người dân nông thôn hạn chế lớn nhất là thiếu thông tin trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Chuyển đổi số sẽ mang lại cơ hội tăng cường khả năng kết nối cho họ với thông tin, xoá nhoà một phần khoảng cách về địa lý, giảm bớt sự phức tạp của các thủ tục hành chính nhiều cấp như hiện nay để được sử dụng trực tiếp các dịch vụ công của Chính phủ. Vì vậy người nông dân phải là khách hàng mục tiêu của quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.
Cơ hội về hoạt động kinh tế số thông qua sử dụng Cơ sở dữ liệu nông nghiệp số, lợi ích cụ thể đầu tiên là người nông dân có thể tiếp cận với nhiều thông tin hơn để ra quyết định sản xuất chính xác hơn, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường thông qua các nền tảng số của doanh nghiệp hay nhà nước cung cấp để kết nối với các dịch vụ đầu vào sản xuất như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ cơ giới hoá, vay tín dụng, tiếp cận khuyến nông số, dịch vụ dự báo thời tiết khí hậu, bảo hiểm nông nghiệp, dịch vụ BVTV, dịch vụ bảo quản, vận chuyển, thu hoạch, tiếp cận thông tin về nhu cầu của người mua, các tiêu chuẩn của thị trường…
Các nguồn thông tin này được thu thập, tích luỹ dần dần và tập hợp dưới dạng nền tảng dùng chung và hộ nông dân có thể tiếp cận thông qua thông qua các dịch vụ nông nghiệp số. Đây là các cơ sở dữ liệu mở, quản lý tập trung, do Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ NN&PTNT cùng với các doanh nghiệp cung cấp để mọi người dân có thể kết nối sử dụng.
Hộ nông dân, trang trại, HTX, hay doanh nghiệp sản xuất cũng có thể áp dụng các công nghệ sản xuất của nông nghiệp chính xác, áp dụng công nghệ tự động hoá để có thể tối ưu hoá từng phần của quá trình sản xuất với bón phân, tưới nước, xử lý thuốc BVTV…, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm ô nhiễm môi trường với sự hỗ trợ của các nền tảng số.
Để thực hiện mô hình Làng thông minh, Bộ NN&PTNT cũng cần phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường phát triển hệ thống thông tin về diện tích đất NN, NT cả nước để phục vụ cho nông dân, HTX và doanh nghiệp đầu tư vào NN&NT. Về bản đồ hiện trạng và kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp/cơ cấu cấy trồng, bản đồ thổ nhưỡng – chất lượng đất từng địa phương, bản đồ thuỷ lợi và nguồn nước… Cần có các quy trình cụ thể rõ ràng để cập nhật dữ liệu, kiểm tra chất lượng bản đồ với các cơ quan chức năng.
Giải pháp chuyển đổi số nông nghiệp
Để chuyển đổi số NN&NT sớm đi vào cuộc sống cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, các Cơ sở dữ liệu số cấp quốc gia phục vụ NN&NT nếu ứng dụng phân tán, sẽ tốn kém tài nguyên và công sức tích hợp, bảo mật khó và sao lưu dữ liệu thường xuyên ở nhiều chỗ, có thể mất dữ liệu quốc gia khi có hỏa hoạn, lũ lụt hay chiến tranh xảy ra và vậy Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông cần tập trung xây dựng được kiến trúc tổng thể của Chính phủ số và Cơ sở dữ liệu số của ngành nông nghiệp và Làng thông minh của Chương trình Nông thôn mới.
Hai là, nghiên cứu phát triển nền tảng Làng thông minh cần áp dụng tiếp cận kết hợp thiết kế tập trung trên xuống và thiết kế thử nghiệm dưới lên ở cấp làng xã tạo một số địa phương đại diện. Nghiên cứu xác định rõ nhu cầu dịch vụ chức năng của các trang trại, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp và người dân nông thôn để thiết kế nền tảng số chung và khung cơ sở dữ liệu số cho nông nghiệp, đồng bộ giữa các nhóm ngành nghề theo cơ cấu tổ chức từ trung ương đến địa phương. Cần có đầu mối tập trung ở cấp bộ để thiết kế cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin, tránh hiện tượng tự phát khi chưa có các tiêu chuẩn kết nối chung.
Ba là, hợp tác công tư để đầu tư phổ cập hạ tầng số nông thôn đến cấp xã, HTX và hộ nông dân phục vụ cho Làng thông minh.
Bốn là, triển khai xây dựng, thu thập cơ sở dữ liệu trực tuyến nông nghiệp, nông thôn tích hợp, đồng bộ phục vụ Làng thông minh.
Năm là, công tác khuyến nông tập trung vào đào tạo kỹ năng thay đổi mô hình kinh doanh số cho các HTX, doanh nghiệp, xây dựng các mô hình Làng thông minh thử nghiệm cấp cơ sở dựa trên kiến trúc nền tảng thống nhất chung.
Sáu là, khuyến khích thu hút doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phục vụ NN&NT mới, đồng hành cùng nông dân vì đây là lực lượng khách hàng rất tiềm năng. Các công nghệ tự động hoá trong sản xuất nông nghiệp gắn với nền tảng truy xuất nguồn gốc trên toàn chuỗi giá trị, theo nguyên lý một bước trước, một bước sau theo yêu cầu của quản lý ATTP, ứng dụng blockchain là những lĩnh vực cần ưu tiên có thể ứng dụng ngay trong thời gian ngắn, trước hết với các mô hình HTX liên kết doanh nghiệp.
TS. Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam
Link: https://ashui.com/mag/congnghe/ungdung/18374-lang-thong-minh-o-nong-thon.html
Xin chào, đây là một bình luận
Để bắt đầu với quản trị bình luận, chỉnh sửa hoặc xóa bình luận, vui lòng truy cập vào khu vực Bình luận trong trang quản trị.
Avatar của người bình luận sử dụng Gravatar.